tiếng Việt

Giới thiệu về Chương trình nghiên cứu nạn diệt chủng tại Cambodia của trường Đại học Yale

Vụ diệt chủng người Cambodia diễn ra năm 1975-1979, khiến gần 1.7 triệu người bị mất đi sinh mạng (chiếm 21% dân số quốc gia), là một trong những bi kịch tồi tệ nhất của loài người trong thế kỷ qua. Cũng như vụ diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman, người dân thuộc Liên Bang Nga dưới thời Stalin, thảm sát người Do thái dưới thời Đức quốc xã, và gần đây hơn là các vụ thảm sát diễn ra tại Đông Timor, Guatemala, Yugoslavia và Rwanda, chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot đứng đầu kết hợp hệ tư tưởng cực đoan với lòng hận thù sắc tộc và sự rẻ rúng tàn bạo tột cùng đối với tính mạng con người đã gây ra sự đàn áp, cảnh sống khốn khổ, và các vụ giết người hàng loạt. Tháng 3 năm 2003, Liên Hợp Quốc ký thỏa thuận với Cambodia nhằm thành lập một hội đồng tòa án đưa những kẻ lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống ra xét xử. Tháng 7 năm 2007,Hội đồng các bên công tố viên của Cambodia và quốc tế tại tòa án liên kết của UN/Cambodia tại Phnom Penh đã tìm thấy chứng cứ về “tội ác đối với loài người, diệt chủng, vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva, tội giết người, tra tấn, và các hành quyết mang tính tôn giáo.” Tháng 12 năm 2007, tòa án liên kết của UN/Cambodia tại Phnom Penh đã bắt giữ năm kẻ đứng đầu chính quyền Khmer Đỏ còn sống sót và kết luận chúng đã vi phạm tội ác chống lại con người và tội ác chiến tranh. Hiện chúng đang đối mặt với tòa án xét xử.

Tháng 12 năm 1994, Chương trình Nghiên cứu nạn diệt chủng Cambodia (CGP) tại đại học Yale đã giành được một tài trợ nghiên cứu trị giá 499.000 đô la Mỹ từ Văn Phòng Điều tra về Nạn diệt chủng Cambodia, Ủy ban chuyên trách về Đông Á và Thái bình dương, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Năm 1995-1996, chính phủ các nước Úc và Hà Lan cùng với Quỹ Henry Luce đã cung cấp thêm cho ngân sách. Năm 1997, Ủy ban Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động thuộc Bộ Ngoại Giao đã trao tặng chương trình CGP thêm một khoản tiền hỗ trợ nghiên cứu trị giá 1 triệu đô la Mỹ, và năm 1999 lại trao thêm 150.000 đô la Mỹ.

Tháng 1 năm 1995, Chương trình CGP thành lập Trung tâm Thu thập dữ liệu về Cambodia (DC-Cam) ở Phnom Penh, và ngay lập tức bắt đầu công việc tập hợp ghi lại thông tin về các vụ giết người hàng loạt ở Cambodia diễn ra trong thời gian Pol Pot nắm quyền nước Dân Chủ Kampuchia, từ 1975 đến 1979. Ngoài việc đào tạo và trang bị thiết bị cho các nhân viên người Cambodia làm việc tại Trung tâm Thu thập Dữ liệu này, chương trình CGP còn tiến hành:

1) Thu thập, nghiên cứu, và lưu giữ mọi thông tin hiện còn lại về giai đoạn đó trong lịch sử Cambodia,

2) Cung cấp các thông tin này cho bất kỳ một tòa án hay hội đồng xét xử nào muốn tổ chức luận tội những kẻ tội phạm còn sống sót trong cuộc chiến Cambodia hay các nghi phạm tội diệt chủng, và

3) Khuyến khích việc tìm hiểu, phân tích, phê phán về nạn diệt chủng để có thể tuyên truyền lan rộng nhằm ngăn chặn các hành động bạo lực chính trị hay sắc tộc chống lại các cộng đồng dân cư trên thế giới.

Trong mười ba năm qua, chương trình Nghiên cứu về nạn diệt chủng ở Cambodia đã thực hiện được các mục tiêu này qua rất nhiều hoạt động có thể chia ra làm 4 loại hình: Thu thập thông tin, bảo tồn thông tin, nghiên cứu, và đào tạo.

Ví dụ, tại  Phnom Penh, năm 1996, chương trình CGP thu nhận được tài liệu lưu trữ dài 100.000 trang về lực lượng cảnh sát an ninh Santebal của cựu chế độ Khmer Đỏ. Từ đó đến nay, tài liệu này đã được lưu lại tại thư viện Sterling của Đai học Yale dưới dạng phim thu nhỏ để các học giả trên thế giới có thể đọc xem. Tính đến năm 2008, chúng tôi đã tập hợp và xuất bản 22.000 bộ hồ sơ cá nhân và thư mục, và trên 6.000 ảnh, cùng với các tài liệu, bản dịch, bản đồ, và một danh mục tổng hợp sâu rộng các đầu sách nghiên cứu về CGP, và 10 bài nghiên cứu về đề tài diệt chủng, cũng như Bộ dữ liệu tin học tương tác về Địa lý Cambodia, CGEO, mới được hoàn chỉnh gần đây, bao gồm thông tin về: 13.000 làng ở Cambodia; 115.000 địa điểm của các vụ không kích ném bom của Mỹ trên vùng trời Cambodia trong giai đoạn 1965-1975, thả rơi 2.75 triệu tấn vũ khí; 158 nhà tù do Khmer Đỏ dựng lên và cai quản trong giai đoạn 1975-1979, và 309 địa điểm chôn người hàng loạt với ước tính bao gồm tổng cộng 19.000 hố chôn; và 76 địa điểm tưởng niệm những nạn nhân của Khmer Đỏ được xây dựng sau năm 1979.

Chương trình Nghiên cứu nạn diệt chủng Cambodia bắt đầu công việc này vào năm 1994, một thời điểm thuận lợi trong bối cảnh chính trị Cambodia, khi các thế lực và yếu tố cản trở việc chấm dứt nạn diệt chủng đã được loại bỏ. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận ngoại giao và kinh tế đối với Cambodia, khơi thông dòng chảy cho việc trao đổi các thông tin, ý tưởng, cũng như thương mại hàng hóa. Công việc giám sát các cuộc bầu cử ở Cambodia năm 1993 của UN đã dẫn đến sự cô lập về chính trị và tước bỏ vị trí luật pháp của đảng phái Khmer Đỏ, khi đó vẫn còn trang bị vũ khí, lên tiếng công khai, và trong chừng mực nào đó, vẫn có ảnh hưởng chính trị. Cuối cùng, vào năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua điều luật Giành công bằng cho vụ diệt chủng Cambodia, với cam kết là chính phủ Mỹ sẽ tìm kiếm, mang lại công bằng cho những người Cambodia đã là nạn nhân của vụ diệt chủng này. Khi chính phủ Cambodia và cộng đồng quốc tế lần đầu tiên đạt được sự đồng thuận về chủ đề diệt chủng, cương lĩnh hoạt động của Chương trình nghiên cứu nạn diệt chủng Cambodia không những nhận được sự ủng hộ từ bên trong và bên ngoài nước mà còn được tiến hành rất đúng thời điểm.

Năm 1997, chính phủ Cambodia yêu cầu Liên Hợp Quốc hỗ trợ họ trong việc thu nhận những bằng chứng pháp lý về những tội ác do Khmer Đỏ gây ra. Năm sau đó, Tổng thư ký UN đã thiết lập một hội đồng cố vấn luật pháp, nhóm Chuyên gia nghiên cứu về Cambodia, kêu gọi thành lập một hội đồng xét xử quốc tế năm 1999 nhằm đưa ra những phán quyết về vụ diệt chủng và tội ác của Khmer Đỏ. Sau vài năm thương lượng với Cambodia về tính chất của tòa án, UN đã rút ra khỏi tiến trình này vào tháng 2 năm 2002, nhưng sau đó lại nối lại vai trò của mình thông qua một nghị quyết của Hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 3, vào tháng 12 năm 2002.

Trang bị cho mình những nguồn tài liệu đã thu được qua một phần tư thế kỷ nghiên cứu tại một thời điểm hết sức quan trọng, mang tính quyết định trong bối cảnh chính trị Cambodia và quốc tế, Chương trình nghiên cứu Nạn diệt chủng Cambodia đã gộp lại được một lượng tài liệu với qui mô rộng, giúp chúng ta nhìn thấy rõ một môi trường chính trị xã hội đã khiến cho hơn một phần năm dân số Cambodia chết. Bức tranh chi tiết về họa diệt chủng tại Cambodia đang được mở ra không chỉ rất bao quát, tổng hợp đối đa mọi khía cạnh của vấn đề, mà còn là tài liệu mở công khai trên toàn quốc tế cho người dân Cambodia, các học giả nước ngoài, các công tố viên, thẩm phán, đặc biệt, trong Cơ sở Dữ liệu của Chương trình CGP có xấp xỉ 28.000 hồ sơ cá nhân. Trang web CGP nhận được 825.707 lượt truy cập từ ngày 11 tháng 11 năm 2001 đến ngày 30 tháng 11 năm 2003, trung bình xấp xỉ 7.700 lượt mỗi tuần. Từ ngày 10 tháng 12 năm 2006 đến ngày 14 tháng 12 năm 2008, trang CGP nhận được 1.026.351 lượt xem, bao gồm 291.445 lượt xem trang chủ.

Tiếp tục công việc của Chương trình CGP và hiện nay là đơn vị độc lập, Trung tâm Thu thập Dữ liệu của Cambodia, dưới sự tài trợ của CGP từ năm 1995 đến năm 2001, đã không chỉ bổ xung cho một khoảng trống lớn trong nguồn tư liệu nghiên cứu nạn diệt chủng Cambodia, mà sẽ còn đóng vai trò hình mẫu quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu về diệt chủng trong tương lai. Hơn nữa, Trung tâm đã hỗ trợ nhóm chuyên gia về Cambodia của Liên hợp quốc rất nhiều, cũng như nó sẽ đóng vai trò lớn trong hội đồng xét xử phối hợp giữa Liên hợp quốc/Cambodia. 

Các tư liệu quan trọng mà CGP đã tập hợp được nhằm phục vụ cho việc thu thập dữ liệu và lấy lại công bằng, cả ở trong nước Cambodia và trên toàn thế giới, thể hiện một sự kết hợp chưa từng có từ trước đến nay giữa sự nghiên cứu, công nghệ kỹ thuật cao cấp, phương pháp thu thập tư liệu và đào tạo luật pháp, và các thể chế luật pháp quốc tế nhằm đóng lại một trong những trang sử bi thảm nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Tương tự, Chương trình nghiên cứu về Nạn diệt chủng (www.gsp.yale.edu), thành lập tháng 1 năm 1998 tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế học và Khu vực học MacMillan, áp dụng những kinh nghiệm của CGP, theo đuổi phương pháp nghiên cứu liên ngành và đào tạo phương pháp thu thập dữ liệu về các thảm họa khác trong lịch sử gần đây, từ vụ thảm sát người Do Thái đến Rwanda và Đông Timor, và trong bối cảnh thích hợp, trợ giúp việc tìm kiếm công bằng luật pháp cho các nạn nhân.   

Tiếng Khmer

Tiếp theo: Tin tức về Hội đồng xét xử